Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Đông Sơn  - TP.Thanh Hóa
TỔNG QUAN VỀ PHƯỜNG ĐÔNG SƠN

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
 
1. Vị trí địa lý

Đông Sơn là một phường thuộc thành phố Thanh Hóa, nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Thanh Hóa 3 km về phía Đông. Có tọa độ địa lý 19047' vĩ độ Bắc, 105045' kinh độ Đông. Phía Bắc giáp xã Đông Hương và Đông Hải; phía Nam giáp xã Quảng Thành; phía Đông giáp xã Quảng Hưng; phía Tây giáp phường Lam Sơn và phường Đông Vệ.

Diện tích tự nhiên toàn phường là 98,55 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên 8,5 ha, còn lại là đất thổ cư và các loại đất khác. Dân số 2322 hộ, 11.002 khẩu.

Điều kiện tự nhiên của phường Đông Sơn nằm trong vùng trung tâm đồng bằng châu thổ sông Mã với địa hình bằng phẳng. Thuở xưa nơi đây đất đai phù hợp trồng cây lúa nước, hoa màu. Hiện nay, đất canh tác nông nghiệp không còn, chỉ có một số đất ao, vườn liền kề nơi cư trú của một số hộ dân.

2. Khí hậu:
Với vị trí địa lý nói trên đã mang lại cho phường Đông Sơn đặc trưng của khí hậu vùng đồng bằng châu thổ ven biển Thanh Hóa (cách biển trên 10 km). Đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt độ cao, có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, nhưng rõ rệt là mùa Đông nhiệt độ xuống thấp khô lạnh và mùa hè nóng ẩm. Mưa ở mức trung bình có xu hướng tăng dần và mưa to ở tháng 9, bị ảnh hưởng của gió Tây khô nóng và hạn. Nhiệt độ trung bình năm 23 - 240, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối 41,50C, thấp nhất có khi xuống dưới 100C. Mùa mưa kéo dài 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10). Mưa phùn vào các tháng cuối mùa Đông (tháng 1, 2 và 3). Điều kiện khí hậu đã tạo thuận lợi cho địa phương phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Song thiên tai khắc nghiệt với rét đậm, rét hại, hạn hán bão lụt vẫn đang là thử thách gây khó khăn trong sản xuất và đời sống nên địa phương cần chủ động có kế hoạch đề phòng và khắc phục...

3. Sông ngòi:
Trên địa bàn phường là nơi hợp lưu của 3 con sông Cầu Cốc, Nhà Lê(1) và sông Lai Thành. Sông Cầu Cốc đã có từ thời Nguyễn (thế kỷ XIX) còn được gọi là sông đào Bến Ngự nối sông Mã với sông nhà Lê ở cầu Bố (Bố Vệ) chảy bao quanh phường Đông Sơn ở phía Tây Bắc (giáp giới phường Lam Sơn). Sông Nhà Lê ở phía Tây Nam (giáp phường Đông Vệ) chảy vệ. Hai con sông này đổ vào sông Lai Thành tại ngã ba sông gọi là Vực Vặng (phố Lê Thánh Tông nơi có phủ Vặng). Sông Lai Thành (còn gọi sông Lan) là con sông chảy qua trung tâm Phường (liền kề Công sở phường). Thuở xưa lòng sông Lai Thành nhỏ hẹp, quanh co. Từ năm 1974, thực hiện công trình thủy lợi nắn dòng sông thẳng qua xã Quảng Châu (huyện Quảng Xương) đổ ra sông Mã tại địa phận xã này nên còn gọi là sông tiêu thủy Quảng Châu. Do công tác thủy lợi tiêu thủy được nhà nước chú trọng nên trên địa bàn Phường không còn hiện tượng ngập úng trong mùa mưa như trước đây.

4. Về giao thông:
Đường thủy: Những con sông chảy qua địa phận phường nói trên từ xưa đã trở thành tuyến đường thủy để thuyền, bè ra sông Mã, ngược lên rừng, xuôi xuống biển hoặc ra tỉnh ngoài. Sông Nhà Lê thuyền bè còn vào phía Nam tới các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình...
Đường bộ, qua phường Đông Sơn có Quốc lộ 47 (trước đây là Tỉnh lộ số 8) chạy theo hướng Đông - Tây từ Sầm Sơn qua trung tâm thành phố Thanh Hóa đi các huyện phía trong tỉnh và tới mọi miền đất nước.Các đường phố của phường bao gồm: Đường Lê Lai (Đoạn Quốc lộ 47 chạy qua) theo hướng Đông - Tây là trục đường chính. Hai bên đường Lê Lai có các đường ngang: Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Lương Đắc Bằng, Đặng Tất, Nguyễn Siêu, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Trần Bình Trọng, Đỗ Hành, Dã Tượng, Yết Kiêu. Theo Quyết định.... năm 2021, phường Đông Sơn thành lập....Hiện nay, các đường phố của phường đều được rải nhựa, hoặc cấp phối tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH PHƯỜNG ĐÔNG SƠN

Phường Đông Sơn được hình thành trên cơ sở vùng đất thuộc các làng cũ Lai Thành và một phần thôn Hương Bào Ngoại (xã Đông Hương).
Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945, làng Lai Thành thuộc xã Đông Hải; làng Bào Ngoại thuộc xã Đông Hương, huyện Đông Sơn. Phường Đông Sơn được thành lập trên cơ sở vùng đất các làng Lai Thành, Hương Bào Ngoại. Đây là những làng đã có từ lâu đời, trong quá trình phát triển vùng đất nơi đây đã đón nhận nhiều cư dân trong, ngoài tỉnh đến cùng cộng cư. Họ đã đem theo nhiều ngành nghề đa dạng với nếp sống văn hóa mang dáng vẻ của nhịp sống đô thị.
Cuối năm 1972, UBHC thị xã cho thành lập Khối Lai Thành trực thuộc Tiểu khu Hoàng Hoa Thám(1 ), thị xã Thanh Hóa.
Ngày 3 tháng 7 năm 1981, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 511/TC/UBTH về việc thống nhất tên gọi các phường trong nội thị, Tiểu khu Hoàng Hoa Thám chuyển thành phường Lam Sơn. Riêng khối Lai Thành chuyển thành phường Đông Sơn, phường Đông Sơn ổn định về hành chính và tên gọi đến nay.
Thực hiện Quyết định số 1277 TC/UBTH ngày 4 tháng 10 năm 1993 của UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 18 tháng 5 năm 1994 UBND thành phố Thanh Hóa đã ra Quyết định số 119 TC/UBTP phê chuẩn phường Đông Sơn gồm 15 phố.
Thực hiện Quyết định 3110/QĐ-UBND ngày 18/7/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án sáp nhập tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, UBND phường đã thực hiện sáp nhập các tổ dân phố trên địa bàn phường từ 15 tổ dân phố còn 9 tổ dân phố, toàn phường có 13 chi bộ.

III. DI TÍCH

Được thành lập trên cơ sở vùng đất thuộc các làng cũ Lai Thành, một phần làng Hương Bào Ngoại nên phường Đông Sơn là vùng đất đã được các thế hệ nơi đây nối tiếp nhau xây dựng và còn lưu giữ đậm nét nguồn văn hóa vật thể và phi vật thể vùng ven sông Lai Thành cổ với Đền Phủ, phong tục tập quán truyền thống, truyện kể dân gian, lễ hội...Tục thờ cúng tổ tiên (tại gia đình, dòng họ), tín ngưỡng thờ thánh thần có công với xóm làng, đất nước qua các thời kỳ lịch sử ở đền, phủ... là nét đẹp văn hóa hướng về cội nguồn đã được nhân dân địa phương giữ gìn, tôn tạo. Tại gia đình giữ nếp cổ truyền thờ cúng gia tiên, các dòng họ có nhà thờ họ, hoặc bàn thờ họ do Trưởng tộc đứng đầu. Công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa có trên đất phường Đông Sơn là Đền Vặng và Phủ Vặng.
Đền Vặng toạ lạc bên bờ sông Lan (sông Lai Thành, Quảng Châu) trước đây thuộc thôn Hương Bào Ngoại xã Đông Hương, nay thuộc phố I phường Đông Sơn). Đền Vặng có quy mô kiến trúc gồm 3 cung: Tiền đường, chính tẩm và hậu cung, được bố cục theo kiểu chữ "Tam" (≡) mặt ngoảnh hướng Nam (nhìn ra vực Vặng, sông Quảng Châu). Hai vị nữ thần được phong thờ tại Đền Vặng là công chúa Liễu Hạnh (bài trí thờ ở cung Đệ Nhất), Long Môn Nguyệt Đàn Công chúa (được bài trí thờ ở cung Đệ Nhị). Đây là những vị nữ thần có công trong việc che chở, cứu giúp nhân dân, gìn giữ, bảo vệ đất nước đã được các triều đại phong kiến ghi vào điển lễ nhà nước, nhân dân ngưỡng vọng tôn thờ (1). Ngày 12 tháng 01 năm 1998, Sở Văn hóa - Thông tin Quyết định xếp hạng Đền Vặng là Di tích lịch sử văn hóa. 
Phủ Văng là nơi thờ Mẫu Thuỷ Tinh công chúa đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định số 12/QĐ-VHTT ngày 06/01/2000 của Sở VHTT và DL Thanh Hoá. Trải qua nhiều biến cố, Phủ Vặng được bà Hoàng Thị Cúc và bà Lê Thị Nền cùng Nhân dân đóng góp xây dựng và tôn tạo lại.

(Nguồn Lịch sử Đảng bộ phường Đông Sơn xuất bản năm 2011)

IMG_20210728_170146_027.jpg
 
 
phủ vặng.jpg


 













 







 




 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
117
Hôm qua:
269
Tuần này:
2847
Tháng này:
9147
Tất cả:
572223

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289